Lịch sử hoạt động SMS Pommern

Trước chiến tranh

Khi đưa vào hoạt động, Pommern được phân về Hải đội Thiết giáp II cùng với các tàu chị em cùng lớp. Nó tham gia các chuyến đi huấn luyện hàng năm cùng các đợt cơ động với phần còn lại của Hạm đội Biển khơi Đức từ năm 1908 đến năm 1914.[2] Nó bao gồm việc huấn luyện hạm đội tại biển Baltic vào năm 1908 và một chuyến đi ra Đại Tây Dương trong năm tiếp theo. Vào tháng 5 năm 1910 Pommern tham gia đợt huấn luyện hạm đội tại Kattegat giữa Đan MạchNa Uy, rồi tiếp nối bằng một chuyến đi đến Na Uy trong mùa Hè. Vào cuối năm 1910, hạm đội thực hiện một chuyến đi khác đến biển Baltic. Hoạt động của nó trong hai năm tiếp theo vẫn với một lịch trình tương tự, cho dù chuyến đi mùa Hè năm 1912 bị ngắt quãng do vụ khủng hoảng Agadir; kết quả là chuyến đi chỉ giới hạn tại khu vực Baltic. Cuối năm đó Pommern tiến hành các đợt cơ động ngoài khơi Helgoland.[5]

Chiến tranh Thế giới thứ nhất

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra vào tháng 7 năm 1914, Pommern cùng các tàu chị em trong Hải đội Thiết giáp II được bố trí nhiệm vụ canh gác khu vực cửa sông Elbe ngăn ngừa lực lượng Anh xâm nhập, vào giai đoạn mà phần còn lại của hạm đội còn đang được huy động.[6] Nó tiếp tục phục vụ cùng Hạm đội Biển khơi trong hai năm đầu của cuộc chiến.[2] Vào ngày 24-25 tháng 4 năm 1916, Pommern cùng bốn tàu chị em tham gia cùng các thiết giáp hạm dreadnought của Hạm đội Biển khơi để hỗ trợ các tàu chiến-tuần dương thuộc Hải đội Tuần tiễu I cho một cuộc bắn phá bờ biển Anh Quốc.[6] Trên đường đi đến mục tiêu, tàu chiến-tuần dương SMS Seydlitz bị hư hại bởi một quả thủy lôi, nên được cho tách ra để quay trở về nhà trong khi chiến dịch vẫn tiếp tục. Lực lượng tàu chiến-tuần dương tiến hành cuộc bắn phá Yarmouth và Lowestoft một cách ngắn ngũi. Do tầm nhìn kém, chiến dịch nhanh chóng bị triệu hồi trước khi hạm đội Anh có thể can thiệp.[7]

Trận Jutland

Pommern trước chiến tranh

Đô đốc Reinhard Scheer, Tư lệnh hạm đội Đức, lập tức vạch kế hoạch cho một chiến dịch khác ra Bắc Hải, nhưng việc Seydlitz bị hư hại đã trì hoãn chiến dịch cho đến cuối tháng 5.[8] Pommern tiếp tục được bố trí cùng Hải đội Thiết giáp II, lúc này được đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Franz Mauve, và được bố trí ở phía cuối của hàng chiến trận Đức..[9] Trong đợt "Tiến ra Bắc Hải", Đô đốc Scheer ra lệnh cho hạm đội truy đuổi hết tốc độ các thiết giáp hạm của Hải đội Thiết giáp V Anh Quốc đang rút lui. Hannover và các tàu chị em chậm hơn đáng kể so với những chiếc dreadnought và nhanh chóng bị tụt lại phía sau.[10] Đến 19 giờ 30 phút, Hạm đội Grand xuất hiện và đối đầu với lực lượng của Đô đốc Scheer với một ưu thế áp đảo.[11] Tình thế của hạm đội Đức bị ảnh hưởng nặng bởi sự hiện diện của những chiếc trong lớp Deutschland chậm chạp; nếu Scheer ra lệnh quay trở về Đức ngay lập tức, có thể ông sẽ phải hy sinh những con tàu chậm hơn để có thể rút lui thành công.[12]

Đô đốc Scheer quyết định quay ngược hướng đi của hạm đội bằng một cú "đổi hướng chiến trận" (Gefechtskehrtwendung), một cách cơ động đòi hỏi mọi đơn vị trong hàng chiến trận Đức phải quay mũi 180 °Cùng một lúc.[13][Ghi chú 2] Do hậu quả của việc bị tụt lại phía sau, những chiếc trong Hải đội Thiết giáp II không thể đi theo hướng đi mới sau khi đổi hướng.[14] Vì vậy, Pommern và năm chiếc khác của hải đội ở bên phía rút lui của hàng chiến trận Đức. Đô đốc Mauve dự định di chuyển các con tàu của ông về phía cuối hàng chiến trận, phía sau những chiếc dreadnought của Hải đội Thiết giáp III, nhưng đã không thực hiện khi ông nhận ra việc di chuyển như vật sẽ ảnh hưởng đến sự cơ động các tàu chiến-tuần dương của Đô đốc Franz von Hipper. Thay vào đó, ông tìm cách đặt các con tàu của mình phía đầu hàng tàu chiến.[15]

Sau đó trong ngày thứ nhất của trận chiến, các tàu chiến-tuần dương đã bị hư hại thuộc Hải đội Tuần tiễu I của Đô đốc Hipper phải chịu đựng áp lực nặng nề do bị các đối thủ Anh truy đuổi. Pommern và các con tàu mang biệt danh "tàu-năm-phút" đã đến để trợ giúp, đi vào giữa hai hải đội tàu chiến-tuần dương đang đối đầu.[16][Ghi chú 3] Pommern không thể bắt được mục tiêu trong bóng đêm, cho dù nhiều chiếc tàu chị em đã làm được. Dù vậy, hỏa lực của chúng không có hiệu quả.[17] Các tàu chiến-tuần dương Anh đã bắn trúng nhiều phát vào các tàu Đức, trong đó một quả đạn pháo 12 in (30,5 cm) của HMS Indomitable đã bắn trúng Pommern[18] buộc nó phải tách ra khỏi hàng. Đô đốc Mauve quyết định không nên đối đầu với một lực lượng tàu chiến-tuần dương mạnh hơn nhiều, nên ra lệnh chuyển hướng 90° sang mạn phải, các tàu chiến Anh đã không đuổi theo.[17].

Cuối ngày hôm đó, hạm đội chuẩn bị cho chuyến đi đêm quay trở về Đức; Deutschland, Pommern và Hannover được xếp phía sau SMS König và các thiết giáp hạm dreadnought khác của Hải đội Thiết giáp III về phía cuối của hàng chiến trận Đức.[19] Đến 03 giờ 10 phút sáng ngày 1 tháng 6, Pommern bị đánh trúng ngư lôi phóng từ tàu khu trục Anh HMS Onslaught. Nó bị đánh trúng ít nhất một, hoặc có thể là hai ngư lôi,[2] làm kích nổ một hầm đạn 17 cm gây ra một đám cháy lớn.[20] Một vụ nổ dữ dội đã làm gãy đôi con tàu, phần đuôi lật nghiêng và tiếp tục nổi trong ít nhất 20 phút với các chân vịt nhô lên không trung trước khi chìm hẳn.[21] Hannover, con tàu ngay phía sau Pommern trong đội hình, bị buộc phải đổi hướng gấp tách khỏi hàng nhằm tránh va chạm với xác tàu;[22] toàn bộ thủy thủ đoàn của Pommern, bao gồm 839 sĩ quan và thủy thủ, đều thiệt mạng khi con tàu chìm.[22]